Dây tập yoga có thể mang lại cho bạn sự hỗ trợ rất lớn khi thực hiện các tư thế khó. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải biết cách sử dụng dây tập yoga chuẩn kỹ thuật để tránh kéo dây quá mức, gây áp lực lên cơ thể.
Mặc dù không được xếp vào danh mục dụng cụ nhất định phải có khi tập yoga nhưng dây tập yoga vẫn là một dụng cụ hữu ích mà bạn nên trang bị nếu thật sự đam mê và muốn theo đuổi bộ môn này trong thời gian dài.
Dây tập có thể mang lại rất nhiều tác dụng cho người tập, từ việc căn chỉnh các tư thế cơ bản cho đến việc hỗ trợ thực hiện các tư thế khó. Tuy nhiên, để phụ kiện tập luyện này phát huy hết khả năng của mình, tốt nhất bạn vẫn nên tham khảo cách sử dụng dây tập yoga chuẩn kỹ thuật dưới đây nhé.
Dây tập yoga – Không chỉ cần cho người mới bắt đầu
Dây tập yoga là dụng cụ tập yoga rất cần thiết, không chỉ cho người mới bắt đầu mà còn với những người tập yoga lâu năm. Tuy nhiên, với những người mới làm quen với yoga, dụng cụ này có vẻ cần thiết hơn bởi nó mang lại sự hỗ trợ rất lớn khi thực hiện những tư thế yoga nâng cao, đòi hỏi sự dẻo dai của cơ thể.
Hãy tưởng tượng nếu bạn không đủ dẻo để chạm tay vào đầu ngón chân, khi đó chiếc dây tập chính là cánh tay kéo dài giúp giữ hai tay tiếp giáp sau lưng.
Dây tập mang lại sự hỗ trợ rất lớn khi thực hiện tư thế khó, đòi hỏi sự dẻo dai của cơ thể
Để việc sử dụng dây tập yoga đạt hiệu quả tốt, bạn nên chọn dây tập được làm bằng chất liệu cotton mềm mại, co giãn tốt và dễ dàng vệ sinh khi bẩn. Kích thước phổ biến thường là dài 1,8 đến 2m và rộng khoảng 4,5cm.
Bí quyết sử dụng dây tập yoga trong 10 tư thế phổ biến
Dưới đây là cách sử dụng dây tập yoga trong 10 tư thế thường gặp. Hãy thử tham khảo và áp dụng ngay hôm nay nhé:
Tư thế vươn người
Cách thực hiện
- Ở tư thế vươn người, sử dụng dây tập yoga để kéo căng cánh tay, vai và sườn.
- Giữ cho chiều dài dây dài hơn chiều rộng của vai.
- Nhẹ nhàng lắc lư từ bên này sang bên kia, kéo căng và mở rộng phần vai sang 2 bên.
Tư thế mở rộng vai
Đây là tư thế có tác dụng mở rộng vai rất tốt nhưng vẫn đảm bảo cơ thể cảm thấy thoải mái.
Cách thực hiện
- Hai tay nắm lấy dây tập, giữ cho chiều dài dây dài hơn vai một chút.
- Đưa cánh tay thẳng ra phía trước, sau đó từ từ đưa về phía sau.
- Trong quá trình thực hiện, nhớ giữ chặt dây và giữ cho khoảng cách giữa 2 tay đủ rộng. Ngoài ra, khi đưa về phía sau, đừng quá ép buộc cơ thể, hãy kéo cho đến khi bạn vẫn còn cảm thấy thoải mái.
Tư thế ngồi gập người về phía trước
Tư thế ngồi gập người về phía trước có tác dụng kéo giãn cơ và gân kheo rất tuyệt vời, tuy nhiên, đây cũng là tư thế mà người tập rất dễ mắc lỗi. Sai lầm thường gặp nhất khi tập tư thế này là cố gắng gập lưng để ngón tay có thể chạm vào chân.
Cách thực hiện
- Dùng dây quấn quanh lòng bàn chân.
- Hai tay nắm lấy 2 đầu dây và bắt đầu duỗi thẳng chân ra.
- Chú ý giữ khoảng cách giữa xương mu và rốn, không cong lưng dưới và nhẹ nhàng đẩy thân về phía trước.
Tư thế góc cố định nằm ngửa
Tư thế góc cố định nằm ngửa có tác dụng giúp kéo căng đùi và hông rất hữu ích.
Cách thực hiện
- Dùng dây quấn quanh xương cùng và phía dưới chân.
- Cố gắng thắt chặt dây sao cho chân và phần thân trước càng gần nhau càng tốt.
- Trong quá trình tập, bạn nên nằm ngửa trên thảm để có thể mở rộng hông tốt nhất.
Tư thế nằm ngửa kéo chân
Tư thế nằm ngửa kéo chân có tác dụng kéo giãn gân kheo, tuy nhiên, nếu cơ thể thiếu độ linh hoạt, bạn sẽ rất khó thực hiện tư thế này an toàn và hiệu quả.Để khắc phục, sử dụng dây tập yoga là phương pháp đơn giản nhưng hữu ích.
Cách thực hiện
- Nằm ngửa trên thảm, giơ một chân lên và vòng dây qua lòng bàn chân.
- Kéo căng chân thẳng lên, hướng về phía trần nhà, đồng thời giữ khuỷu tay áp sát vào thảm sao cho vai cảm thấy thoải mái nhất.
Tư thế đứng nắm ngón chân cái
Cách thực hiện
- Tạo một vòng tròn ở cuối đoạn dây và vòng qua chân.
- Nhấc đầu gối lên, giữ chặt dây bằng tay cùng bên với chân, từ từ duỗi thẳng chân và sử dụng cả 2 tay để thực hiện tư thế này.
- Khi đã ở vị trí thoải mái, bạn có thể dùng tay kia chống hông cho thoải mái.
- Tiếp tục giữ dây bằng tay còn lại.
Tư thế vũ công
Với tư thế vũ công, để thực hiện với dây tập, bạn hãy tạo một thòng lọng nhỏ ở cuối dây và đặt một chân vào trong thòng lọng.
Cách thực hiện:
- Tựa vào tường để đảm bảo an toàn.
- Đưa tay lên trong khi vẫn giữ một đầu sợi dây, hướng khuỷu tay lên trời và bắt đầu dùng tay bám dọc theo sợi dây để rút ngắn sao cho kéo chân càng gần càng tốt.
Tư thế đầu sát gối
Cách thực hiện:
- Ngồi trên thảm, giữ thẳng lưng, hai chân duỗi thẳng về phía trước và song song với nhau, 2 tay đặt cạnh đùi, lòng bàn tay úp xuống.
- Gập chân phải lại sao cho bàn chân phải sát với phía trong đùi trái.
- Làm một thòng lọng ở đầu dây và vòng qua bàn chân bên trái.
- Giữ dây, dần hạ thấp người để kéo giãn chân.
Tư thế mặt bò
Đây là một thử thách đối với người thiếu sự linh hoạt ở vai. Để khắc phục, bạn hãy dùng dây tập để giảm bớt áp lực lên vai.
Cách thực hiện:
- Ngồi thẳng trên thảm, tay phải cầm một đầu dây tập và giơ thẳng lên trần. Cánh tay trái đặt ở sau lưng, gập tay phải và đưa tay ra sau sao chạm với tay trái.
- Nếu tay bạn không thể chạm vào nhau được trong tư thế giữ thẳng lưng, hãy đưa một đầu dây tập để tay trái nắm.
- Kéo 2 tay gần nhau hết mức có thể bằng cách sử dụng dây tập. Lặp lại vài lần rồi đổi tay.
Tư thế con thuyền
Rất nhiều người gặp khó khăn khi thực hiện tư thế này do thiếu sức mạnh. Với sự hỗ trợ của dây tập, bạn sẽ dễ dàng thực hiện động tác này mà không gặp chút khó khăn nào.
Cách thực hiện:
- Đặt sợi dây dưới lòng bàn chân, dùng hai tay giữ hai đầu sợi dây. Từ từ nhấc chân lên, để cho phần lưng dưới được kéo dài chứ không bị cong.
- Đạp mạnh bàn chân vào dây đeo, giữ thẳng hai chân để tạo thành tư thế con thuyền.