Power rack: Quyền năng đến từ sự đơn giản

Power rack: Quyền năng đến từ sự đơn giản

Power rack là một dụng cụ tập luyện đang dần phổ biến ở các phòng tập thể hình. Hãy cùng Life Fitness & Yoga tìm hiểu về cấu tạo và công dụng của chúng nhé.

Đã có bao giờ bạn thấy các bộ khung kim loại trong phòng gym và thắc mắc rằng dụng cụ này có công dụng gì? Vâng, đó chính là power rack (tạm dịch: khung đa năng), là một loại khung tập đảm bảo sự an toàn và nâng cao hiệu quả tập luyện cho người dùng. Trong bài viết này, Life Fitness & Yoga sẽ cùng người tập tìm hiểu về dụng cụ này.

Trong phòng tập, đây không phải là một dụng cụ tập gym được ưa chuộng bậc nhất. Bởi đa phần người tập đều không biết sử dụng đúng cách và thực sự hiểu về dụng cụ này.

Cấu tạo của một bộ power rack

Về ngoại hình, một bộ khung power rack có thiết kế như một “cây ATM” không kính. Dụng cụ này có 2 giá đỡ hai bên và 4 chiếc ghim chia đều ra hai mặt trước sau để làm thành một bộ khung đỡ. Ưu điểm của khung tập này là có thể điều chỉnh độ cao phù hợp với mục đích luyện tập.

power rack 2

Cấu tạo cơ bản của power rack

Cấu tạo phần trên là nhiều tay cầm đóng vai trò như một bộ xà dùng trong các bài tập thân trên và bụng. Tùy vào nhà sản xuất và nhu cầu của khách, một số power rack còn tích hợp phần đĩa tạ và dây kéo phục vụ cho các bài tập xô lưng hoặc tay.

Vậy power rack có công dụng gì?

Ưu điểm lớn nhất của dụng cụ này là bạn sẽ không cần người trợ giúp khi tập luyện với power rack. Thông thường, trong những bài nằm đẩy ngực với cường độ cao, bạn sẽ cần một người hỗ trợ phòng trường hợp bị tạ đè.

Tuy nhiên, khi tập với power rack, bạn chỉ việc điều chỉnh các ghim và thanh an toàn ở vị trí phù hợp rồi bắt đầu bài tập. Chẳng hạn như với bài đẩy ngực nằm, vị trí lý tưởng là cách ngực người tập khoảng 5cm.

Nếu đã tập đến giới hạn, bạn chỉ cần buông tạ xuống và để các giá đỡ gánh giúp. Nhờ đó, người dùng sẽ cảm thấy tự tin hơn do không phải lo về tai nạn khi tập.

Với nhiều người tập thể hình lâu năm, họ rất chuộng việc đẩy nhiều reps nhất có thể. Giờ đây, với bộ khung của dụng cụ luyện tập này, họ sẽ không cần lo nghĩ quá nhiều khi thêm 5kg so với giới hạn của bản thân.

Bài tập nào phù hợp với power rack?

Về cơ bản, power rack có thể “thầu” gần như tất cả các bài tập thông dụng cho bạn như squat, đẩy ngực nằm, deadlift, rack pull, barbell shrug, overhead press, upright row.

Các bài tập thân trên và cơ bụng như pull up hay nâng chân nâng gối cũng có thể thực hiện trên power rack. Nhiều người tập thường “ví von” dụng cụ luyện tập này là máy tập toàn thân. Bởi dụng cụ này có khả năng phối hợp nhịp nhàng với các bài tập từ cơ đùi, mông, bụng cho đến xô lưng, cầu vai, tay trước.

Các bài tập với power rack

Thường được “ví von” là máy tập toàn thân

Như đã chia sẻ, một số power rack còn tích hợp dây cáp và các đĩa nặng dùng cho các bài kéo xô (cable row), gập bụng (cable crunch), kéo tay trước tay sau.

Hạn chế của dụng cụ luyện tập này là gì?

Để đổi lấy những lợi ích đã đề cập, người tập thường phải dành nhiều không gian cho một bộ power rack. Trong đó, trần nhà phải đủ cao và dư khoảng 1m so với chiều cao của khung. Điều này nhằm giúp cho bạn không bị chạm đầu vào trần nhà khi thực hiện bài pull up hay những bài tập tương tự.

Nhược điểm tiếp theo của power rack chính là giá thành. Một bộ power rack cơ bản sẽ thường trị giá khoảng 10 triệu đồng. Giá có thể tăng tùy vào chất liệu thép và những phụ tùng khác mà bạn muốn tích hợp.

Nếu sở hữu đôi bàn tay khéo léo, người tập có thể tự làm một bộ tại nhà. Tuy nhiên, bạn cần đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn cần thiết của một bộ khung tập cơ bản.

Có thể thay thế dụng cụ này bằng squat rack (khung squat) không?

Đây cũng là một vấn đề giành được nhiều sự quan tâm của người dùng. Thực tế, squat rack vốn là power rack chia đôi. Vì thế, dụng cụ này sẽ ít tốn không gian hơn so với đàn anh của mình và giá thành cũng hợp lý hơn.

Tuy nhiên, độ an toàn của squat rack lại không được người dùng đánh giá cao. Với khung squat, bạn chỉ có thể tập trước khung. Trong khi với power rack, bạn có thể tập ở giữa khung. Điều này sẽ đảm bảo độ an toàn khi bạn có ngả ra sau hay về phía trước.

Một điểm trừ khác của đa số khung squat là không được thiết kế giá đỡ. Nếu có, người tập cũng buộc phải ngã về đúng hướng với giá đỡ.

Tóm lại, nếu có thể đầu tư và mong muốn theo đuổi hình thức thể hình tại gia, việc sử dụng một bộ khung power rack là hoàn toàn cần thiết. Ngược lại với các trường hợp “đóng cọc” ở phòng gym, bạn có thể dễ dàng tìm được một bộ khung phù hợp với mình ở nhiều nơi.

5 điều cần làm sau khi thực hiện các bài tập yoga

Để lại một bình luận