Tại sao lại bị đau ngực khi tập thể dục?

Tại sao lại bị đau ngực khi tập thể dục?

Bị đau ngực khi tập thể dục là triệu chứng rất dễ gặp phải nhưng đa phần chúng ta đều “ngó lơ” mà không biết rằng đây có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Tất cả mọi người, kể cả những người khỏe mạnh, đều có thể bị đau ngực khi tập thể dục. Có rất nhiều nguyên nhân đằng sau tình trạng này, từ lành tính cho đến những nguyên nhân có thể đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, đa phần chúng ta chỉ quan tâm khi các vấn đề đã dần trở nên nghiêm trọng. Hãy cùng Life Fitness & Yoga xem tiếp những chia sẻ dưới đây để biết thêm các nguyên nhân gây đau ngực khi tập thể dục cũng như cách điều trị và ngăn ngừa nhé.

Nguyên nhân gây đau ngực khi tập thể dục

Đau ngực khi tập thể dục có thể là dấu hiệu cảnh báo các căn bệnh nguy hiểm, chẳng hạn như đau tim. Ngoài ra, nó cũng có thể là do các nguyên nhân đơn giản như căng cơ và hen suyễn.

Nhồi máu cơ tim

Đây là tình trạng các động mạch vành bị tắc nghẽn khiến tim bị mất oxy. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể tử vong. Triệu chứng thường gặp của tình trạng này là đau ở hàm, lưng, ngực và các bộ phận khác của cơ thể. Cơn đau có thể xuất hiện ngắn ngủi, lặp lại hoặc có thể kéo dài hơn vài phút. Ngoài triệu chứng này, bạn còn có thể gặp phải các triệu chứng như:

  • Đau ở ngực
  • Đổ mồ hôi
  • Buồn nôn
  • Chóng mặt
  • Lo âu hoảng sợ
  • Đè nén hoặc đau ở ngực

nhồi máu cơ tim

Mỗi trường hợp sẽ có các triệu chứng khác nhau. Cả nam và nữ đều có thể bị đau ngực nhưng ở phụ nữ, cơn đau ngực còn có thể đi kèm với:

  • Đau lưng
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Đau hàm
  • Khó thở

Nếu nhận thấy bản thân có các triệu chứng kể trên đi kèm với cơn đau ngực khi tập thể dục, bạn cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, nhồi máu cơ tim sẽ gặp nhiều ở:

  • Những người từ 65 tuổi trở lên
  • Nam giới, ngay cả khi họ nhỏ tuổi hơn phụ nữ
  • Người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim

Đau thắt ngực

Đau thắt ngực là cơn đau xuất phát từ tim. Nguyên nhân chính của những cơn đau này là do lượng máu lưu thông đến tim quá ít. Khi điều này xảy ra, bạn có thể cảm thấy đau hoặc đè nén ở ngực. Ngoài đau ngực, bạn còn có thể gặp phải các triệu chứng như:

  • Cơn đau lan đến cánh tay hoặc hàm
  • Khó thở
  • Mệt mỏi
  • Buồn nôn

Tập thể dục và căng thẳng có thể gây ra đau thắt ngực và mọi người thường nhầm cơn đau này với cơn đau do nhồi máu cơ tim. Do đó, bạn cần hết sức lưu ý về các triệu chứng, nếu nghi ngờ bị nhồi máu cơ tim, bạn cần đi khám ngay. Theo Đại học Tim mạch Hoa Kỳ (American College of Cardiology), phụ nữ có nguy cơ bị khó chịu ở cổ họng và đau hàm do đau thắt ngực cao gấp 3 lần nam giới.

Bệnh cơ tim phì đại (HCM)

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, cơ tim phì đại là bệnh có thể gặp phải ở bất kỳ ai. Đây là tình trạng mà các tế bào của cơ tim to ra khiến thành tâm thất trở nên dày hơn. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể là do vách ngăn phân chia buồng tim trái phải bị phì đại, gây áp lực lên tâm thất. Khi bị cơ tim phì đại, tim sẽ phải làm việc nhiều hơn để bơm máu và bạn có thể gặp phải các triệu chứng như:

  • Chóng mặt
  • Khó thở
  • Đau ngực
  • Ngất xỉu

Một số người khi bị cơ tim phì đại sẽ không có triệu chứng. Trong khi một số khác lại có thể bị ngừng tim đột ngột khi đang vận động.

Bệnh hen suyễn

Bệnh hen suyễn

Hen suyễn có thể ảnh hưởng đến đường dẫn khí trong phổi. Đường thở của những người bị hen suyễn thường bị viêm để phản ứng với các tác nhân gây bệnh. Nếu gia đình có người bị hen suyễn, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn. Ngoài cảm giác đau ngực khi tập thể dục, bạn còn có thể gặp phải các triệu chứng như:

  • Thở khò khè
  • Ho
  • Đau tức ngực
  • Khó thở

Căng cơ và chấn thương

Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2013, gần một nửa số trường hợp bị căng cơ ở ngực có liên quan đến cơ liên sườn với triệu chứng chính là đau ngực khi tập thể dục. Ngoài ra, còn có các triệu chứng phổ biến khác như:

  • Đau nhói
  • Bầm tím
  • Sưng tấy
  • Đau khi thở

Nguyên nhân phổ biến nhất của căng cơ là do tập thể hình quá sức. Vì vậy, những người thường xuyên tập luyện cơ ngực rất dễ gặp phải tình trạng này. Ngoài ra, người lớn tuổi là đối tượng có nguy cơ bị căng cơ ở ngực cao nhất, đặc biệt là nếu tập thể dục quá căng thẳng hoặc bị va chạm mạnh.

Khi nào nên đến bác sĩ khám?

Khi nào nên đến bác sĩ khám

Đi khám ngay nếu bạn thường xuyên bị đau ngực khi tập thể dục mà không rõ nguyên nhân và các triệu chứng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Thông qua việc thăm khám, xét nghiệm, bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân cơ bản, đề xuất kế hoạch điều trị và tư vấn về việc thay đổi lối sống.

Nếu có các triệu chứng liên quan đến nhồi máu cơ tim, bạn cần đi khám ngay. Ngoài ra, nếu bị hen suyễn, bạn cũng nên tuân theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ về việc dùng thuốc để giảm bớt các triệu chứng và có thể tiếp tục tập thể dục hoặc tham gia các môn thể thao khác.

Làm thế nào để hạn chế được tình trạng đau thắt ngực khi tập thể dục?

Bạn không thể ngăn ngừa được cơn đau ngực khi tập thể dục. Tuy nhiên, có một số bí quyết để ngăn ngừa nguyên nhân gây ra tình trạng này, chẳng hạn như đau tim, căng cơ và hen suyễn:

  • Duy trì một chế độ ăn cân bằng
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Tránh hút thuốc và rượu
  • Kiểm soát huyết áp bằng thuốc
  • Tránh các hoạt động làm tăng nguy cơ chấn thương
  • Kiểm soát bệnh hen suyễn bằng thuốc

Nếu gặp phải tình trạng đau ngực khi tập thể dục, tốt nhất bạn nên đi khám để xác định nguyên nhân cụ thể, đặc biệt là nghi ngờ mình bị nhồi máu cơ tim. Để phòng ngừa triệu chứng này, bạn nên thay đổi lối sống và tuân theo kế hoạch điều trị của bác sĩ.

Hypertrophy là gì mà ai muốn tăng cơ đều muốn tập ngay?

Để lại một bình luận